Lịch sử
mua hàng
Cách đây vài năm, máy làm sữa hạt còn là một sản phẩm mới đối với người tiêu dùng nhưng hiện nay những chiếc máy này đang dần trở nên phổ biến trong nhiều gia đình hiện đại. Vậy máy làm sữa hạt là gì? Cách sử dụng máy làm sữa hạt đúng như thế nào? Hãy cùng TOTVATOT tìm hiểu về máy làm sữa hạt qua bài viết dưới đây nhé.
Máy làm sữa hạt là một thiết bị có công dụng đúng như tên gọi của nó - chế biến các loại sữa dinh dưỡng thông qua việc xay nghiền các loại hạt và ngũ cốc. Máy có chức năng xay nghiền giống với máy xay sinh tố và có thêm chế độ nấu bằng nhiệt để trực tiếp đun chín thành phẩm của quá trình xay. Sản phẩm sau khi được đun nóng chính là sữa hạt và có thể dùng ngay sau khi quá trình nấu kết thúc.
Một chiếc máy làm sữa hạt được cấu thành từ 5 bộ phận:
● Cối xay hạt: Đây là bộ phận dùng để chứa và xay các loại hạt, đồng thời có tác dụng như một nồi nấu các thành phẩm sau khi quá trình xay hoàn tất. Chính vì bao gồm cả chức năng như một nồi nấu, cối của máy làm sữa hạt thường được chế tạo từ các loại thủy tinh cao cấp có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Chất liệu này cũng giúp cho người sử dụng quan sát và điều chỉnh quá trình chế biến cũng như khi nấu sữa.
● Lưỡi dao: Với mục đích xay nghiền các loại hạt thật mịn, lưỡi dao của máy làm sữa hạt thường được chế tạo từ inox, có số lượng từ 6 đến 8 lưỡi và thiết kế cong, ngả về các hướng khác nhau.
● Motor: Đây là bộ phận sẽ làm lưỡi dao xoay với vận tốc cao, giúp xay nghiền các nguyên liệu.
● Mâm nhiệt: Bộ phận mâm nhiệt đóng vai trò tạo nhiệt để làm nóng và nấu sôi các loại sữa ngay trên cối xay. Mâm nhiệt thường được đặt ở dưới cối xay giúp cho việc nấu và đun sôi diễn ra ngay trong quá trình xay nghiền.
● Bảng điều khiển: Đây là bộ phận mà người sử dụng thao tác để máy hoạt động theo nhu cầu khác nhau của mình.
Máy làm sữa hạt có nguyên lý hoạt động giống với quá trình vận hành của máy xay sinh tố. Để biết rõ được cách sử dụng máy làm sữa hạt, chúng ta cũng cần nắm được cơ chế hoạt động của những chiếc máy này. Về cơ bản, hoạt động của máy làm sữa hạt là xay nghiền các loại hạt cùng nước và đun sôi để tạo thành sữa.
Khi đã hiểu về cách thức hoạt động của máy, hãy cùng TOTVATOT tìm hiểu cách sử dụng máy làm sữa hạt từ những bước cơ bản nhất. Đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị các nguyên liệu làm sữa và cho vào cối xay của máy, sau đó cần đặt cối xay vào đúng vị trí để khớp với phần thân máy. Tiếp theo, bạn sẽ cho nước với mức độ phù hợp với dung tích cối và lượng nguyên liệu đã cho vào. Cuối cùng, hãy lựa chọn chế độ làm sữa phù hợp với nhu cầu của mình thông qua bảng điều khiển.
Một điều cần lưu ý, máy làm sữa hạt hiện nay sẽ bao gồm hai chức năng là làm sữa chậm và làm sữa nhanh. Với mỗi chức năng, bạn nên lưu ý thời gian và chế độ nấu phù hợp để máy hoạt động tốt nhất và bền nhất.
● Lắp chặt nắp cối xay, đúng khớp:
Việc này giúp cho quá trình xay và nấu của máy làm sữa hạt ổn định, an toàn. Khi bắt đầu, bạn cần chú ý lắp đúng các khớp chân của cối xay với phần thân máy trước khi cho các nguyên liệu vào cối. Sau đó, bạn nhớ đậy chặt nắp cối xay để tránh bị trào ra trong quá trình xay và nấu sữa.
● Không ngâm cối xay, động cơ trong nước:
Lời khuyên TOTVATOT đưa ra cho bạn là tuyệt đối không ngâm cối xay cũng như động cơ máy làm sữa hạt vào trong nước do đây là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với điện khi vận hành. Bên cạnh đó, việc ngâm các bộ phận này cũng tăng nguy cơ bị oxy hóa và rỉ sét động cơ.
● Nên ngâm các loại hạt trước khi làm sữa:`
Để sữa giữ được tối đa dưỡng chất và phòng tránh ngộ độc từ các loại hạt, bạn nên ngâm hạt trong nước từ 8 đến 22 tiếng. Việc này giúp loại bỏ các chất gây ức chế dinh dưỡng và độc tố có thể tồn tại trong các loại hạt.
● Xử lý khi mất điện:
Thông thường, việc nấu sữa hạt thường tốn một khoảng thời gian tương đối dài. Vậy chúng ta nên làm gì khi mất điện xảy ra trong quá trình máy làm sữa hạt hoạt động? Trong trường hợp này, bạn nê rút điện máy làm sữa hạt và chuyển qua nấu thủ công. Không nên đợi có điện mới nấu tiếp vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa và gây hỏng cối trong nhiều trường hợp.
● Không cho đường, muối trực tiếp vào cối trong quá trình xay:
Nhiều người muốn điều chỉnh vị sữa trong quá trình nấu bằng cách cho trực tiếp muối hay đường vào hỗn hợp trong cối. Tuy nhiên điều này có khả năng làm khê cối. Bạn nên trút sữa ra rồi cho muối đường vào sữa hoặc nếu muốn cho các loại gia vị này vào thì cần hòa tan trước khi đổ vào máy.
● Tránh xa tầm tay trẻ em:
Máy làm sữa hạt có trọng lượng khá nặng và có những bộ phận có thể gây nguy hiểm cho trẻ như lưỡi dao, motor, nguồn điện. Đặc biệt, khi máy làm sữa hạt hoạt động, lượng nhiệt tỏa ra từ cối rất cao có khả năng gây bỏng cho trẻ em. Tốt nhất, bạn nên để máy ở xa tầm tay của trẻ.
● Đảm bảo nguồn điện để máy hoạt động an toàn:
Bạn cần chú ý lựa chọn nguồn điện phù hợp với máy làm sữa hạt của mình nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như bảo vệ máy lâu dài.
● Chú ý về lượng nước:
Tuyệt đối chỉ nên cho đúng lượng nước nằm trong ngưỡng quy định của nhà sản xuất. Nếu bạn sử dụng lượng nước vượt quá quy định, trong quá trình máy làm sữa hạt hoạt động, sữa dễ bị trào ra ngoài. Điều này vừa ảnh hưởng đến vệ sinh, vừa ảnh hưởng đến an toàn của chính bạn.
● Không để kim loại trong cối xay:
Tuyệt đối không được để quên các vật kim loại hay dụng cụ cứng như thìa, muỗng, đũa,… ở trong cối xay trước khi máy vận hành. Các vật dụng này sẽ khiến cối xay của máy làm sữa hạt của bạn bị nứt vỡ và các lưỡi dao bị sứt mẻ. Và tuyệt đối không sử dụng máy khi cối đã bị nứt để tránh những tác động nguy hiểm.
Mong rằng với những chia sẻ của TOTVATOT về máy làm sữa hạt, các bạn có thể hiểu hơn về loại máy này và biết cách sử dụng máy làm sữa hạt. Từ đó có thể lựa chọn được máy làm sữa hạt phù hợp với bản thân và gia đình.