Lịch sử
mua hàng
Nồi cơm điện là vật dụng hữu ích, quan trọng và không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày nay, giúp bạn mang lại những bữa ăn ngon đầm ấm cho gia đình, giúp phần vun vén hạnh phúc gia đình bạn. Vậy bạn có tò mò xem chiếc nồi cơm điện này ra đời như thế nào không? Dưới đây totvatot giới thiệu sự ra đời của nồi cơm điện mời bạn tham khảo
Nồi cơm điện tự động là một phát minh của Nhật Bản vào giữa thế kỷ 20. Trước khi nồi cơm điện ra đời, phụ nữ châu Á đều thổi cơm theo cách truyền thống bằng nồi đất hoặc nồi gang. Phụ nữ Nhật Bản nấu cơm trên những bếp được gọi là Kamado. Đó là một dạng bếp kín hình hộp chữ nhật, bên trên có đặt nồi cơm bằng sắt rất nặng.
Bếp Kamado Nhật Bản
Việc nấu cơm rất mất thời gian và công sức khi người phụ nữ phải dậy từ sớm để chuẩn bị gạo, một mình bê nồi nặng lên bếp, liên tục phải trông coi ngọn lửa, tăng giảm nhiệt và nước làm sao để cơm không bị cháy khét, cũng không bị nhão quá.
Mỗi ngày 3 lần nấu cơm như vậy khiến cuộc sống của người phụ nữ xưa kia chỉ quẩn quanh trong việc nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa.
Nồi cơm điện bắt đầu vào năm 1923 khi công ty Mitsubishi Electric công bố một mô hình đơn giản về chiếc nồi có thể nấu cơm và được quân đội Nhật Bản mang ra chiến trường như một chiếc nồi nấu đa năng.
Thế nhưng ý tưởng này nhanh chóng thất bại. Vì trong điều kiện chiến tranh rất khó để nấu được một nồi cơm ngon, gạo không được bảo quản tốt nên cơm có lúc nhão, lúc khô dời dạc.
Năm 1945, Một kỹ sư tên là Masaru Ibuka kết hợp cùng một nhà nghiên cứu thời chiến là Akio Morita lập ra Tổng công ty kỹ thuật viễn thông Tokyo (tiền thân của Tập đoàn Sony sau này). Đơn vị này tập trung sáng tạo ra chiếc nồi cơm điện đầu tiên."Chiếc nồi" có hình trụ như một bồn tắm bằng gỗ, bên dưới đáy được lót bằng sợi nhôm.
Ý tưởng rất hay vào thời điểm đó nhưng kết quả không khá hơn các loại nồi trước đó vì chất lượng của gạo nên đòi hỏi người nấu phải ngồi canh chừng liên tục. Masaru Ibuka và công ty của mình từ bỏ việc sản xuất nồi cơm điện
Năm 1950, Shogo Yamada - một nhân viên kinh doanh của Toshiba đi quảng cáo về máy giặt khặp Nhật Bản và hỏi các bà nội trợ về công việc khó khăn nhất của họ khi làm việc nhà. Câu trả lời của họ không phải giặt quần áo như anh này hướng đến mà là "nấu cơm ba lần một ngày bằng bếp kamado".
Dự án về chiếc nồi cơm điện tự động của Shogo Yamada bắt đầu từ đó.
Yamada đã chuyển giao dự án cho nhà phát minh Yoshitada Minami, nhưng vì nấu cơm là công việc của phụ nữ, nên Minami lại chuyển phần lớn việc nghiên cứu cho vợ anh, cô Fumiko.
Minami có kỹ năng về thiết bị máy móc, nhưng Fumiko thì thực sự biết nấu cơm. Để có tiền thực hiện nghiên cứu, Minami đã vay thế chấp ngôi nhà của gia đình, trong khi Fumiko nghiên cứu các loại nồi cơm điện hiện có trên thị trường.
Họ phát hiện nguyên nhân thất bại của các nồi cơm trước đó là không thể điều chỉnh được nhiệt độ nồi sau khi cơm sôi. Khi nước trong nồi gạo đã được hấp thụ hoàn toàn hoặc bay hơi đi, nhiệt độ của hộp đựng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Cặp vợ chồng này đã tạo ra một công tắc uốn cong, có thể tự động tắt nồi cơm điện khi nhiệt độ trong nồi vượt quá 100 ℃.
Fumiko đã thử nghiệm các nồi cơm mới một cách không mệt mỏi bất kể thời tiết hay thời gian.
Giữ cho nồi không bị mất nhiệt khi đã tắt công tắc là một thách thức. Họ liên tưởng đến những người dân ở bang Hokkaido, nơi có mùa đông rất lạnh, nồi nấu cơm được cách nhiệt rất nhiều và tạo ra một nồi cơm điện tự động gồm hai lớp, bên trong là nồi nấu, bên ngoài là nồi chứa nước ra đời vào năm 1956.
Năm 1956, Công ty Toshiba giới thiệu nồi cơm điện mới có hai lớp: ruột nồi và lớp cách điện. Nhờ đó, nhiệt độ được giữ ổn định trong suốt quá trình nấu và an toàn sử dụng. Ngoài ra, Nồi cơm điện có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động tắt nguồn khi cơm chín. Sáng chế này đã làm bùng nổ thị trường nồi cơm điện, Toshiba vào thời điểm đó bán được đến 200.000 nồi cơm điện mỗi tháng chỉ với thị trường Nhật Bản. Trong vòng bốn năm, ít nhất 50% gia đình Nhật Bản sử dụng loại nồi cơm điện của Toshiba.
Năm 1986 nồi nấu cơm bằng khí đốt tự động đầu tiên được sáng chế bởi Công ty Điện và Khí đốt Kema. Sản phẩm này về sau đã trở thành sản phẩm chủ lực và tạo nên tên tuổi cho công ty này. Cấu tạo của nồi cơm điện này bao gồm một nồi nấu bên trong, lớp bọc bên ngoài, mâm hấp thu nhiệt của bếp gas bên dưới, cảm biến nhiệt, bảng điều khiển. Cảm biến nhiệt sẽ kích hoạt và tự động tắt bếp, dừng cung cấp nhiệt cho nồi khi đã đạt nhiệt độ mong muốn. Loại nồi này thích hợp khi cần nấu cơm với số lượng lớn hoặc tại nơi không có nguồn điện dồi dào.
Nồi cơm nấu bằng lò vi sóng được đề cập lần đầu tiên vào năm 1989, trong sáng chế số US 4853509, do Công ty Hairo Kabushiki Kaisa đăng ký.
Đây là một trong những sáng tạo về nồi nấu cơm khi cấu tạo hoàn toàn không có mâm nhiệt, không dây hoặc các nút điều khiển. Thay vào đó, cần có một lò vi sóng và nồi nấu được làm từ một chất liệu đặc biệt để có thể nung nóng trong lò vi sóng đến một nhiệt độ đủ cao để đun sôi gạo. Khi nhiệt độ tăng, áp lực được tạo ra bên trong nồi và gạo được nấu chín nhanh hơn. Với loại nồi này, nhiệt độ phân bố khắp nồi, từ đáy đến thành nồi, làm cho quá trình nấu diễn ra nhanh chóng và cơm ngon. Tuy nhiên, công suất nấu của nồi khá thấp, chỉ khoảng 600g gạo.
Năm 2003, công ty Matsushita đã nhanh chóng cải tiến và chế tạo ra một loại nồi cơm điện sử dụng hơi nước ở nhiệt độ cao (130 độ C) để nấu cơm nhằm giữ được vị ngọt và mùi hương tự nhiên của gạo. Đỡ tốn thời gian nấu và tiêu thụ ít điện hơn so với nồi của hãng Toshiba.
Ngày nay, nồi cơm điện được bày bán trên toàn thế giới với nhiều cải tiến về chất lượng, chất liệu và mẫu mã. Người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn từ các đơn vị sản xuất danh tiếng.