Lịch sử
mua hàng
Mùa hè đến là thời điểm chúng ta bắt đầu sử dụng đến các công cụ làm mát như quạt máy, quạt điều hòa hơi nước. Trải qua một mùa đông cất gọn trong kho, chắc hẳn ít nhiều những chiếc quạt này đều bị bám bụi. Vậy làm sao để vệ sinh, lau chùi quạt một cách dễ dàng và đơn giản nhất? Hãy đọc bài viết hướng dẫn vệ sinh quạt máy, quạt điều hòa dưới đây của TOTVATOT nhé!
Đối với quạt máy, cánh quạt và lồng quạt là 2 vị trí dễ bị bám bụi nhất sau thời gian dài sử dụng. Tương tự, quạt hơi nước hay quạt điều hòa cũng đều dễ bị tích tụ bụi bẩn tại các bộ phận cánh quạt và tấm làm mát, tấm lọc không khí.
Lớp bụi dày bám trên cánh và lồng quạt hay các tấm làm mát sẽ khiến quạt hoạt động kém hiệu quả, giảm tuổi thọ của quạt. Đi kèm với đó là các tác hại cho đường hô hấp và da mặt. Những vấn đề về sức khỏe sẽ càng đáng lo ngại hơn nếu gia đình bạn có người già và trẻ nhỏ.
Vì vậy, việc làm sạch quạt thường xuyên là vô cùng cần thiết. Bạn nên vệ sinh quạt máy sau khoảng 2 - 3 tháng sử dụng và vệ sinh quạt điều hòa sau 2 - 3 tuần sử dụng. Thời gian vệ sinh tùy thuộc vào vị trí đặt quạt và tần suất sử dụng. Ví dụ như quạt đặt ở vị trí gần ban công, cửa sổ sẽ nhanh bị bám bụi hơn quạt sử dụng trong phòng khách, phòng ngủ thường xuyên khép kín. Ngoài ra, nếu nhận thấy quạt đã bám quá nhiều bụi bẩn thì bạn nên lau chùi dù chưa đến thời gian vệ sinh định kỳ.
Bất kể bạn dùng quạt đứng hay quạt treo tường thì đều có thể thực hiện lau chùi, vệ sinh bằng phương pháp giống nhau. Để vệ sinh quạt máy đúng cách và đảm bảo an toàn, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Tắt quạt, rút dây cắm khỏi nguồn điện, rút núm điều khiển quay lên (nếu có).
- Bước 2: Tháo lồng quạt và cánh quạt. Cách tháo lồng quạt rất đơn giản, bạn cần vặn phần nhựa tròn cố định lồng quạt ngược chiều kim đồng hồ. Bật lẫy khóa lồng quạt và nhẹ nhàng gỡ phần lồng quạt ngoài cùng ra. Tháo lần lượt cánh quạt và các bộ phận phía trong ra khỏi trục theo thứ tự.
- Bước 3: Ngâm các bộ phận vừa tháo trong chậu nước để các mảng bám bụi bẩn bong ra. Lấy khăn và chất tẩy rửa nhẹ như xà phòng rửa bát, bột giặt, nước/xà phòng rửa tay,... để lau rửa các bộ phận. Sau khi lau rửa xong thì phơi cho ráo nước.
- Bước 4: Trong lúc chờ các bộ phận lồng và cánh quạt khô thì tiến hành vệ sinh hộp động cơ. Để tháo hộp động cơ, bạn cần tháo các ốc vít cố định trục quay và ốc cố định vỏ bảo vệ mặt sau. Để vệ sinh bụi bám trên trục quay, bạn cần sử dụng chổi nhỏ và khăn khô. Bạn có thể chọn chổi sơn hoặc các loại chổi lông quét dọn cầm tay. Sau khi lau dọn, nếu trục quay quá khô bạn có thể nhỏ vài giọt dầu máy để trục hoạt động trơn tru hơn.
- Bước 5: Lắp lại vỏ bảo vệ hộp động cơ và cánh quạt, lồng quạt theo đúng thứ tự đã tháo. Cắm điện nguồn và bật quạt để kiểm tra.
Nếu thấy cách tháo lồng quạt quá phức tạp và nhiều công đoạn mà bạn lại không có thời gian. Bạn có thể tham khảo cách vệ sinh quạt không cần tháo khung dưới đây.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị dung dịch tẩy rửa với nguyên liệu như sau:
- Bình xịt nước
- 2 muỗng cafe baking soda
- 1 muỗng cafe giấm trắng
- Nước rửa bát
- 250ml nước sạch
Để chế tạo dung dịch, đầu tiên bạn cần đổ giấm trắng vào phần baking soda đã chuẩn bị, sau đó nhỏ thêm 2-4 giọt nước rửa bát và khuấy đều để tạo một dung dịch sủi bọt. Cuối cùng, hòa thêm nước và đổ vào bình xịt đã chuẩn bị sẵn. Bạn chỉ cần xịt dung dịch này lên trước và sau lồng quạt, cánh quạt, sau đó để nghỉ khoảng 10 - 15 phút. Sau đó cắm điện và bật quạt, các giọt bắn lúc này sẽ văng tung tóe, mang theo bụi bẩn của quạt. Vậy là chỉ cần vài bước chuẩn bị đơn giản, quạt của bạn đã trắng sạch như mới.
Bước 1: Tháo và vệ sinh khay chứa làm mát của quạt
Khay chứa này gồm 2 bộ phận chính là tấm làm mát và khay chứa. Để vệ sinh tấm làm mát, bạn lấy bàn chải lông mềm nhẹ nhàng chải sạch tấm làm mát dưới vòi nước nhỏ hoặc vòi xịt được mở ở mức thấp nhất. Do tấm này thường được làm bằng giấy cứng nên bạn cần làm sạch nhanh và thật nhẹ nhàng để tránh tấm bị rách hoặc mủn do ngấm nước.
Tấm khay chứa được vệ sinh tương tự như tấm làm mát, bạn cũng dùng bàn chải lông mềm và cọ rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước mở yếu. Khay chứa này có tấm lưới lọc bụi mỏng nên bạn cần cọ thật cẩn thận, tránh làm rách lưới.
Bước 2: Vệ sinh bình chứa nước
Trước khi tiến hành vệ sinh bình chứa nước, bạn cần xả hết nước cũ trong bình ra. Sau đó dùng khăn ẩm lau chùi, với các góc khó vệ sinh thì dùng bàn chải hoặc tăm bông để lau rửa.
Bình chứa nước là bộ phận dễ bị ẩm mốc và đọng rêu nhất nên khi vệ sinh quạt điều hòa cần lưu ý cọ thật sạch, tránh để sót vết rêu mốc.
Bước 3: Vệ sinh thân và cánh quạt
Đây là phần dễ lau chùi nhất nhưng lại mất nhiều thời gian nhất khi tiến hành vệ sinh quạt máy điều hòa. Bạn chỉ cần dùng khăn ẩm lau thật sạch thân máy bên ngoài và lau cánh quạt. Do cánh quạt của quạt máy điều hòa là nhiều tấm hướng gió xếp liền nhau, nên khi vệ sinh cần lau kỹ cả 2 mặt của từng thanh hướng gió.
Bước 4: Vệ sinh tấm lọc và lồng sóc
Đối với tấm lọc, bộ phận này nằm ở sau quạt điều hòa. Để vệ sinh bạn cần tháo rời tấm lọc, giũ cho rơi bụi và chà rửa nhẹ nhàng trong nước với bàn chải lông mềm.
Còn lồng sóc là bộ phận động cơ của máy, tương tự với khi vệ sinh quạt máy, bạn cần dùng chổi nhỏ để lau sạch bụi bẩn bám trên động cơ.
Bước 5: Hoàn tất và kiểm tra
Sau khi các bộ phận sạch sẽ và khô ráo, bạn lắp lại chúng theo đúng hiện trạng ban đầu. Cuối cùng cắm điện và chạy thử thiết bị để kiểm tra.
Khi vệ sinh quạt, bạn cần lưu ý và thật ghi nhớ các điểm sau:
- Luôn rút phích cắm, ngắt nguồn điện của quạt trước khi vệ sinh để tránh giật điện.
- Dùng nước sạch để vệ sinh, lau chùi.
- Không sử dụng chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh.
- Đảm bảo cánh quạt, lồng quạt, các bộ phận và linh kiện phải khô ráo hoàn toàn mới lắp vào quạt.
- Lắp linh kiện cần lắp chặt và chắc chắn nhất có thể.
- Không để nước chảy vào động cơ gây chập, cháy.
Trên đây là chi tiết toàn bộ các cách vệ sinh quạt máy và vệ sinh quạt điều hòa. Hy vọng với bài viết này, TOTVATOT đã gỡ rối giúp bạn cách vệ sinh quạt máy, quạt điều hòa khi mùa hè đã đến rất gần. Bên cạnh đó, hãy tham khảo thêm các sản phẩm chăm sóc nhà cửa của TOTVATOT để hoàn thiện không gian sống của gia đình bạn nhé!